ARTICLE
24 April 2025

Cách Tiếp Cận Mới Đối Với Việc Quản Lý An Toàn Thực Phẩm Tại Việt Nam

RV
Russin & Vecchi

Contributor

Russin & Vecchi was founded in Asia over 60 years ago. We have offices in Ho Chi Minh City and Hanoi. We work with global clients and with international law firms. From entry strategy to operations, we help clients navigate the complex and changing Vietnamese regulatory framework. We deliver creative, compliant, and practical solutions.
Hiện đang có một số quan điểm cho rằng các quy định về an toàn thực phẩm và việc tuân thủ các quy định đó cần phải được cải thiện để đảm bảo việc quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả hơn.
Vietnam Food, Drugs, Healthcare, Life Sciences

Hiện đang có một số quan điểm cho rằng các quy định về an toàn thực phẩm và việc tuân thủ các quy định đó cần phải được cải thiện để đảm bảo việc quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả hơn. Chính phủ đang trong quá trình sửa đổi một số văn bản pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm. Văn bản pháp luật quan trọng nhất là Luật An toàn Thực phẩm và Nghị định 15/2018/NĐ-CP ("Nghị định 15"). Ngoài ra, còn có một số văn bản khác, tuy nhiên Luật An toàn Thực phẩm và Nghị định 15 vẫn là những văn bản quan trọng nhất. Các đề xuất sửa đổi đã thu hút nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm, mà chủ yếu là tập trung vào quy trình tự công bố sản phẩm và đăng ký bản công bố sản phẩm. Cục An toàn Thực phẩm thuộc Bộ Y tế đã tổ chức nhiều buổi hội thảo và đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp để tìm ra phương án tối ưu nhằm sửa đổi các quy định hiện hành.

Chúng tôi xem xét ba khía cạnh quan trọng sau đây trong việc điều chỉnh các quy định về an toàn thực phẩm:

  1. Cải thiện thủ tục hành chính là cần thiết nhưng phải thực tế và hiệu quả

Nghị định 15 có ba nhóm thủ tục hành chính quan trọng mà các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống phải tuân thủ: thủ tục Tự công bố sản phẩm, Đăng ký bản công bố sản phẩm, và công bố lại, đăng ký lại sản phẩm. Dự thảo sửa đổi Nghị định 15 ("Dự thảo sửa đổi") đang theo hướng yêu cầu thêm một số tài liệu/thông tin cho tất cả các thủ tục này, như yêu cầu bổ sung thuyết minh sản phẩm, công thức sản phẩm, và phương pháp kiểm nghiệm. Dự thảo sửa đổi cũng điều chỉnh cơ bản thời gian xử lý hồ sơ tự công bố và đăng ký bản công bố. Mối lo ngại lớn của các nhà sản xuất là những thay đổi này có thể kéo dài thời gian tự công bố--một quy trình vốn đã giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Ví dụ, đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố, Dự thảo sửa đổi quy định rằng trong vòng 7 ngày, cơ quan có thẩm quyền phải đăng tải hồ sơ tự công bố lên trang thông tin điện tử. Thêm vào đó, quy định mới yêu cầu rằng "Trong thời gian 03 (ba) tháng kể từ khi tiếp nhận hồ sơ tự công bố, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm rà soát tính hợp pháp của hồ sơ đã tiếp nhận. Trường hợp phát hiện hồ sơ không đúng quy định, cơ quan tiếp nhận thông báo và yêu cầu tổ chức, cá nhân tự thu hồi hồ sơ". Điều này có nghĩa là các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra hồ sơ, và nếu các cơ quan quản lý xác định rằng hồ sơ không phù hợp quy định pháp luật, thì họ sẽ yêu cầu doanh nghiệp phải thu hồi hồ sơ tự công bố. Theo quy định hiện hành, sau khi hồ sơ tự công bố được đăng tải trên trang thông tin điện tử, doanh nghiệp có quyền sản xuất và lưu thông sản phẩm ra thị trường ngay lập tức. Sau đó, các cơ quan chức năng sẽ có quyền thực hiện hậu kiểm sản phẩm (không phải hậu kiểm hồ sơ tự công bố) để làm rõ liệu các sản phẩm đưa ra thị trường có đáp ứng các tiêu chuẩn đã nêu trong hồ sơ tự công bố hay không. Quá trình hậu kiểm này là một thế mạnh của Nghị định 15, theo đó các cơ quan chức năng sẽ trực tiếp kiểm tra sản phẩm nhằm ngăn chặn và xử lý việc doanh nghiệp cung cấp thông tin sai lệch trong hồ sơ tự công bố. Sau khi hồ sơ tự công bố được đăng tải, thông thường, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu tiến hành sản xuất và kinh doanh, nhưng hiện nay, theo Dự thảo sửa đổi, các doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro rằng nếu hồ sơ tự công bố của họ bị xem là không tuân thủ quy định, các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu doanh nghiệp thu hồi hồ sơ, và sản phẩm đang lưu thông trên thị trường cũng có khả năng bị thu hồi. Kết quả là, các doanh nghiệp sẽ không thể sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường vào thời điểm hồ sơ tự công bố được đăng tải trên trang thông tin điện tử. Thay vào đó, họ có thể phải chờ cho đến hết thời gian 3 tháng nhằm đảm bảo việc lưu hành sản phẩm được thông suốt. Chúng tôi cho rằng quy định mới về thời gian rà soát 3 tháng cho hồ sơ tự công bố là không thực tế, là một bước lùi về thủ tục hành chính, và cần được xem xét lại.

Đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký, hiện tại, sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký, các cơ quan chức năng sẽ xem xét và có thể yêu cầu bổ sung/chỉnh sửa. Dự thảo sửa đổi chỉ cho phép doanh nghiệp bổ sung/chỉnh sửa hồ sơ tối đa ba lần, và thời hạn bổ sung cho phép là 30 ngày đối với mỗi lần bổ sung/chỉnh sửa. Điều đó có nghĩa là sau ba lần nộp hồ sơ bổ sung không thành công, hồ sơ đăng ký sẽ được xem như không còn hiệu lực. Sau đó, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký mới và quy trình đăng ký sẽ tiến hành lại từ đầu. Giới hạn về thời gian và độ phức tạp khi nộp hồ sơ đăng ký sản phẩm theo Dự thảo sửa đổi khiến cho quy trình đăng ký sản phẩm trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, do tính chất phức tạp của sản phẩm cần đăng ký, hồ sơ đăng ký có thể được yêu cầu bổ sung nhiều hơn ba lần và thời gian bổ sung một số tài liệu có thể vượt quá 30 ngày [ví dụ, tài liệu được cấp tại nước ngoài như CFS (Chứng nhận lưu hành tự do) hoặc các tài liệu tương tự]. Điều quan ngại của các doanh nghiệp là họ không thể hoàn tất quy trình đăng ký sản phẩm chỉ với ba lần bổ sung/chỉnh sửa với thời hạn 30 ngày cho mỗi lần. Nhiều sản phẩm có thể mất đến +/- 10 lần bổ sung/chỉnh sửa để hoàn tất. Vì thế, chúng tôi cho rằng không nên quy định giới hạn về số lần bổ sung/chỉnh sửa hồ sơ đăng ký.

  1. Có cần áp dụng hồi tố đối với các sản phẩm đã được lưu hành hợp pháp trên thị trường?

Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi yêu cầu rằng tất cả các sản phẩm đã tự công bố/đăng ký trước đây trên thị trường phải được công bố lại và đăng ký lại sau khi nghị định sửa đổi có hiệu lực. Các sản phẩm đã được sản xuất và nhập khẩu theo các quy định trước đây có thể tiếp tục lưu thông cho đến khi hết hạn sử dụng của sản phẩm. Điều này có nghĩa là sau khi hết hạn sử dụng, các sản phẩm hiện nay trên thị trường phải tự công bố lại/đăng ký lại. Liệu việc tự công bố lại/đăng ký lại có thực tế không? Nếu toàn bộ các sản phẩm đang lưu hành đã tuân thủ quy định hiện hành, việc tự công bố lại/đăng ký lại có cần thiết hay không? Một quy định mới không nên quy định áp dụng hồi tố như Dự thảo sửa đổi đang đề xuất. Chúng tôi cho rằng nên bỏ quy định yêu cầu các sản phẩm đang lưu hành phải tự công bố lại/đăng ký lại.

  1. Lo ngại về việc tiết lộ thông tin kinh doanh bảo mật

Đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký, Dự thảo sửa đổi yêu cầu khi đăng ký bản công bố sản phẩm, doanh nghiệp phải cung cấp thông tin thuyết minh thành phần sản phẩm và công thức sản phẩm. Đây là một quy định hoàn toàn mới, và có nguy cơ cao dẫn đến rò rỉ thông tin mật. Các thông tin nói trên sẽ được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử. Bất kỳ tổ chức/cá nhân nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin mật này. Điều này hiển nhiên sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Chúng tôi khuyến nghị rằng quy định này nên được loại bỏ.

Nghị định 15 từ lâu đã được coi là một bước tiến lớn trong việc cắt giảm thủ tục hành chính, giúp sản phẩm nhanh chóng tiếp cận thị trường, đồng thời vẫn đảm bảo về vấn đề an toàn thực phẩm. Sau bảy năm áp dụng, việc sửa đổi một số quy định của Nghị định 15 là cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn rằng việc sửa đổi sẽ được thực hiện một cách công bằng và hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiếp tục đảm bảo công tác quản lý an toàn thực phẩm của Chính phủ, cũng như duy trì hoạt động ổn định và thông suốt của các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống. Ngoài ra, việc điều chỉnh Nghị định cũng cần phù hợp với Luật An toàn Thực phẩm.

The content of this article is intended to provide a general guide to the subject matter. Specialist advice should be sought about your specific circumstances.

Mondaq uses cookies on this website. By using our website you agree to our use of cookies as set out in our Privacy Policy.

Learn More