Tại sao việc xây dựng và ban hành một luật về hội ở Việt Nam cho tới nay lại gặp nhiều khó khăn, kể từ năm 1957 với Sắc lệnh số 102/SL-L004 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban bố luật về quyền lập hội?

Góc nhìn từ vai trò của các tổ chức xã hội

Trong lịch sử nước ta, chưa bao giờ quyền lập hội của người dân không được thừa nhận và khẳng định trong Hiến pháp. Tuy nhiên, xét từ góc độ thực tế, trong suốt thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, khi Nhà nước lãnh đạo và bao cấp toàn diện đời sống của người dân thì dường như đã không tồn tại cả điều kiện lẫn nhu cầu khách quan cho việc thực thi quyền lập hội.

Bên cạnh đó, các định kiến về tư tưởng cũng góp một vai trò quan trọng. Chẳng hạn, vẫn có những suy nghĩ thành lập hội một cách tự do và tự nguyện không khác nào việc các cá nhân muốn liên kết và tập hợp lực lượng để tạo sức mạnh chính trị riêng, nhằm đi chệch hướng lãnh đạo của Nhà nước, hay gây sức ép, thách thức quyền lực với chính quyền nhân dân.

Tuy nhiên, bản thân cuộc sống xã hội luôn luôn vận động một cách tự nhiên, phong phú và đa dạng hơn nhiều so với góc nhìn và năng lực bao quát của các nhà làm luật. Ngay trong lòng của chế độ bao cấp, các tổ chức tự nguyện phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của đời sống dân sự, từ hội đồng hương đến hội nuôi ong, hội chim cảnh, cá cảnh, vẫn cứ ra đời hoặc mặc nhiên tồn tại, cho dù không bao giờ được cấp phép hay đăng ký hoạt động.

Cho đến những năm sau khi Đảng, Nhà nước thực hiện đổi mới và chuyển đổi cả xã hội sang nền kinh tế thị trường thì hàng trăm, hàng ngàn các hội tự nguyện của người dân đã được thành lập dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều tổ chức mang tên không chính thức là tổ chức phi chính phủ (NGO), hoạt động dưới sự bảo trợ của các hội chính thống của Nhà nước. Các tổ chức này, tự chủ động hoặc cùng hợp tác với các tổ chức NGO nước ngoài được Nhà nước cấp phép hoạt động, đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước, đặc biệt các vùng khó khăn, nơi cuộc sống của người dân và các cộng đồng yếu thế cần sự chia sẻ, hỗ trợ.

Chức năng của các hội hay tổ chức xã hội đó chính là như vậy. Nó sinh ra để giúp đỡ và hỗ trợ; đồng thời, với mọi sự nhiệt tình và sáng tạo có thể có, nó mang sự trợ giúp đến tận những nơi và lĩnh vực mà các cơ quan chính quyền, với các khả năng và tiềm lực bị giới hạn, khó có thể đảm đương hết được.

Trong dự thảo luật về hội đang được thảo luận, nếu xem một điều, đó là ngăn cấm hội nhận tài trợ của nước ngoài, trong khi tiền của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lại được khuyến khích, đã có thể thấy sự bất hợp lý.

Mỹ là một quốc gia giàu có bậc nhất. Tuy thế, tại đó chính quyền cũng không thể giải quyết hết mọi vấn đề cấp thiết mà xã hội và người dân đòi hỏi. Năm 1981, một phụ nữ tên là Marcia Stein làm việc trong Cơ quan Bảo trợ xã hội của thành phố New York đã nhận ra rằng cơ quan của mình không thể chuyển các bữa ăn miễn phí cho các cụ già cô đơn vào các ngày nghỉ lễ. Trăn trở về điều ấy, cô đã có sáng kiến thành lập và trở thành giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận có tên là Citimeals on Wheels để khắc phục sự khiếm khuyết này. Tự thân đi lên bằng con đường thiện nguyện, tổ chức đó đến hôm nay đã trở thành một mạng lưới rộng lớn hỗ trợ cung cấp dịch vụ xã hội thiết yếu của thành phố này, với trên 2 triệu suất ăn miễn phí được phát hàng năm cho khoảng 18.000 người già có nhu cầu, và một ngân sách được quyên góp xấp xỉ 20 triệu đô la Mỹ. Nước Mỹ cũng là một miền đất phải hứng chịu nhiều thiên tai hàng đầu trên thế giới. Mặc dù vậy, người Mỹ có thể vượt qua các thách thức của thiên nhiên một cách dễ dàng, phần lớn cũng bởi khả năng hỗ trợ, ứng cứu kịp thời và hiệu quả của 1,6 triệu tổ chức NGO và phi lợi nhuận trên khắp đất nước.

Vậy thì phải chăng, ít nhất từ góc độ ứng phó và xử lý các vấn đề xã hội, chưa nói tới đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các lợi ích và giá trị cá nhân của con người, trong điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, chúng ta cần có một nhận thức mới về quyền lập hội nói chung và luật về hội nói riêng?

Nhận thức mới, cách tiếp cận khác

Đọc dự thảo Luật về Hội lần cuối, dư luận nói chung vẫn cho rằng còn khá nhiều quy định mang tính hạn chế, bao gồm các hàng rào quản lý nhà nước, hơn là biện pháp bảo đảm hay tạo điều kiện thực thi đối với quyền này. Chẳng hạn, cơ quan nhà nước can thiệp ngay vào việc xem xét mục tiêu, lĩnh vực hoạt động, phê duyệt nhân sự và điều lệ hội, hạn chế nguồn tài trợ, hay thậm chí là đặt các hội không qua thủ tục cấp phép và đăng ký ra khỏi phạm vi điều chỉnh của pháp luật... Câu hỏi là căn nguyên của xu hướng hạn chế hay kiểm soát chặt chẽ đó liệu có chính đáng và hợp lý hay không?

Trước hết, một sự nhận thức hạn hẹp cho rằng hội có thể tham gia vào các hoạt động chính trị là không thích hợp, bởi như thực tiễn ở tất cả các nước, lập hội dân sự và lập đảng chính trị là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Đồng thời, ngay trong Công ước của Liên hiệp quốc về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là một thành viên cũng xác định đó là hai loại quyền công dân tách biệt. Hơn nữa, việc Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo chính trị duy nhất đã được Hiến pháp và thực tế khẳng định. Như thế, tâm lý e ngại việc lập hội tự do của người dân phải chăng chỉ còn là sự chưa dám dứt bỏ các thành kiến cũ?

Hội, về bản chất là sự liên kết giữa của một cá nhân với người khác để cùng nhau hay phối hợp thực hiện các quyền dân sự của mình đã được pháp luật thừa nhận, với mục tiêu căn bản là hỗ trợ lẫn nhau hoặc hỗ trợ người khác, đặc biệt là các nhóm yếu thế, trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày mà không cần đến sự bao cấp hay can thiệp của Nhà nước. Nói một cách khác, về cơ bản, hội chia sẻ trách nhiệm của chính Nhà nước trong nghĩa vụ bảo đảm xã hội cho người dân. Khái niệm hội theo nghĩa rộng bao hàm cả hội có mục đích kinh tế (ví dụ các hội doanh nghiệp) và các hội phi kinh tế và tổ chức phi lợi nhuận (ví dụ quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ) bởi đơn giản hai phạm trù này luôn luôn là các mảng khác nhau của đời sống xã hội. Vậy, nếu không ủng hộ việc lập hội, phải chăng chúng ta không thừa nhận sự tồn tại của đời sống tự nhiên và bình thường?

Ở một số nước, người ta coi việc lập hội là quyền tự do cơ bản, tương tự quyền tự do kinh doanh nên không dùng kiểm soát nhà nước để hạn chế. Tuy nhiên, nếu hội hay bất cứ tổ chức nào không tồn tại bằng nguồn tài chính của thành viên mà từ tài trợ của người khác thì bắt buộc phải tuân thủ luật về tổ chức phi lợi nhuận một cách rất nghiêm ngặt, nhằm chống lại mọi sự lạm dụng. Chẳng hạn, đó là nghĩa vụ phải báo cáo công khai và kiểm toán bắt buộc hay trách nhiệm phải chuyển giao tài sản của pháp nhân cho một hội hay tổ chức phi lợi nhuận khác có cùng mục tiêu một khi chấm dứt hoạt động. Nói một cách giản đơn, anh có quyền tự do làm những gì anh muốn nhưng không được xâm phạm quyền tự do của người khác, bao gồm cả sự lạm dụng lòng tốt của họ khi giúp đỡ, tài trợ cho anh. Chỉ cần áp dụng một nguyên lý đơn giản như vậy cho mục đích bảo đảm sự an toàn và an ninh xã hội.

Trở lại dự thảo Luật về Hội đang được thảo luận, nếu xem một điều, đó là ngăn cấm hội nhận tài trợ của nước ngoài, trong khi tiền của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam lại được khuyến khích, đã có thể thấy sự bất hợp lý. Vậy, phải chăng đã đến lúc chúng ta cần có góc nhìn đúng hơn và một cách tiếp cận khác về quyền lập hội?

Bài viết của luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng NHQuang&Associates trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Xem bài viết gốc

The content of this article is intended to provide a general guide to the subject matter. Specialist advice should be sought about your specific circumstances.